Chú Giải Tin Mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa | Lc 2,16-21 | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
LỄ MẸ THIÊN CHÚA
TIN MỪNG: Lc 2,16-21

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Ds 6,22-7, Gl 2,4-7

Xin Chúa chúc lành cho con và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con và thương xót con. Xin Chúa ghé mắt lại cùng con (và ban bình yên cho con) .

Những lời này nói với chúng ta bằng những hình ảnh rất nhân bản về tình yêu của Thiên Chúa đối với Đức Maria. Trước hết, người ta có thể áp dụng chúng cho Đức Maria theo nghĩa cụ thể nhất, trong những ngày sau Giáng sinh này. Khuôn mặt Chúa Giêsu và Đức Maria hướng về nhau... như mọi người mẹ cúi xuống nôi.

Sau nữa, những lời này có một ý nghĩa nhiệm mầu. Thật vậy Thiên Chúa vui mừng vì cuộc hạ sinh này. Đức Maria được Chúa yêu thương. Chúng ta khó tưởng tượng nổi cuộc đối thoại của hai tâm hồn này, lòng Thiên Chúa và lòng Đức Maria cúi cùng con “họ". Giữa Thiên Chúa và Đức Maria, có một cuộc đối thoại tình yêu không ngừng qua người con chung là Chúa Giêsu.

Tôi chiêm ngắm cuộc đối thoại này.

Khi đã tới lúc thời gian đầy đủ, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ.

Ơ đây có ý tưởng là Thiên Chúa đã dùng thời gian đạt một cuộc chuẩn bị việc nhập thể chỉ được tiến hành vào lúc nhân loại đã trưởng thành. Lịch sử của dân Israel là một lịch sử của một cuộc đi lên, một sự khai phá tiệm tiến của con người được tinh luyện đã dần dần khám phá ra những giá trị

Cốt yếu, đã từ từ kinh nghiệm được mối liên hệ với Thiên Chúa.

Và vào một lúc thích hợp, việc chuẩn bị tập trung vào một con người, người trinh nữ Đức Maria là một đóa hoa tươi đẹp của nhân loại, chớp đỉnh đi lên của nhân loại, kiệt tác của Thiên Chúa... Lòng Đức Maria là niềm vui của nhân loại. Sau cuộc chờ đợi lâu dài, khi thời gian đã đủ... mọi sự đã sẵn sàng trong lòng người phụ nữ này... Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và Giêsu con lòng bà được chúc phúc.

Sở dĩ vì anh em được làm con, Thiên Chúa đã sai thần trí của Con Ngài và tầm hồn chúng ta kêu lên rằng : Abba, nghĩa là, lạy Cha.

 Tình phụ tử của Thiên Chúa rộng rãi như toàn thể nhân loại. Tình phụ tử của Thiên Chúa phát sinh trước hết, người con Một từ vĩnh cửu. Nhưng thần trí của Người Con này đã được đặt vào lòng chúng ta: Từ nay, từ cõi lòng chúng ta phát ra tiếng kêu: Cha... Ba... Đây là tiếng Do Thái thân mật nhất. Tiếng nói Chúa Giêsu đã phóng vào nhân loại để gọi tên Thiên Chúa!

Mầu nhiệm Giáng sinh không chỉ là mầu nhiệm về một người con, mà là mầu nhiệm của số đông “con cái" : mọi người có thể trở thành con, trong “người Con" này.

Thế nên bạn không còn phải là tôi tớ... mà người thừa kế... nhờ ơn Thiên Chúa.

Nhờ ơn giáng sinh, nhân loại bước vào những tương quan mới với Thiên Chúa. Thay vì tương quan “chủ tớ”, từ nay là tương quan Cha Con.

Người ta có thể nói “Mẹ Con”, để nắm được điều đã xảy ra giữa Thiên Chúa với chúng ta. Giữa Thiên Chúa và nhân loại có một liên hệ tình yêu khó tin nổi.

Tôi dừng lại để chiêm ngắm lòng Chúa. Mối tình phụ tử của Thiên Chúa đối với tôi và với mọi người.

Nhưng, phần tôi có được gì ? Tôi có đáp trả tình yêu này không? Tôi có quá sợ hãi không? Lạy Chúa xin cho một tấm lòng thơ trẻ, tấm lòng thảo hiếu.

Bài đọc II: Lc 2,6-21.

Khi ấy các Mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem.

Họ là những người đầu tiên đến và chứng kiến. Các mục tử, những con người có đời sống giản dị. Họ luôn sẵn sàng.

Trước lời mời gọi đầu tiên của các thiên thần, họ vội vã lên đường ngay.

Còn tôi thái độ của tôi thế nào khi cần trả lời trước lời kêu mời của Thiên Chúa?

Họ gặp thấy Maria, Giuse và Hài nhi mới sinh.

Đó là điều họ đã gặp: một gia đình. Tôi tưởng tượng lại cảnh này. Một phụ nữ rất trẻ, chồng nàng và một bé thơ nhỏ xíu.

Thiên Chúa đang hiện diện ở đó. Thiên Chúa muốn tự mạc khải trong hình ảnh một người mẹ đang yêu thương con mình. Chính Thiên Chúa cũng yêu thương như thế. Tôi thử gợi lên tình yêu mẫu tử:

….như tôi là đối tượng đối với mẹ tôi..

…như tôi đang ôm ấp trong lòng đối với các con cái của tôi.

…như tôi có thể quan sát chung quanh tôi trong các người mẹ trẻ, các bà mẹ già.

Tình mẫu tử: một trong những hình ảnh đẹp nhất của Thiên Chúa .

“Hài nhi mới sinh".

Một sự sống mới, thật là hấp dẫn.

Hãy nhìn sự sống nảy sinh.

Mỗi lần một vật gì, một con người nào phát sinh, đó là điệu diệu kỳ : có một huyền nhiệm, một khả năng mới, chưa bao giờ gặp thấy, xuất hiện.

Con trẻ này sẽ ra sao?

Trong Bé thơ mà Maria đã cho chào đời, một "thế giới mới” bắt đầu, một sự đổi mới toàn diện vũ trụ, một thay đổi căn bản của nhân loại hình thành.

Tôi nghĩ đến mọi biến đổi đang khởi sự, đến tất cả những gì đang tiến triển từ Hài nhi mới sinh này.

Nằm trong máng cỏ..."

Không phải ở trong lâu đài. Không ở trong chốn giàu sang. Nhưng trong điều kiện khốn khó, hết sức trần trụi. Không có vẻ gì là vinh quang.

Thiên Chúa bị giấu ẩn đặc biệt: Lạy Chúa, con thờ lạy Chúa, đang bị đặt trên ổ rơm. Lạy Chúa, Chúa làm con chưng hửng biết bao !

Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này... và mọi người đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ..

Họ đã được loan báo điều gì? Các ngươi đừng sợ... Ta báo cho các ngươi một tin vui, cũng là một niềm vui cả cho toàn dân. Một Cứu Chúa đã sinh ra cho các ngươi. Người là Đấng Kitô Đức Chúa... Vinh danh Thiên Chúa, và bình an cho những người Chúa yêu thương.” Đó là điều đã được loan báo!"

Các mục tử đã thuật lại điều gì? Chúng tôi đã thấy một hài nhi nằm trong máng cỏ!"

Và mọi người ngạc nhiên: có điều gì đáng ngạc nhiên! Chính Thiên Chúa gây ngạc nhiên. Tôi có chấp nhận để Thiên Chúa dẫn đưa đến chỗ Người muốn không?

Tôi có những tư tưởng hoàn toàn phù hợp với Thiên Chúa? Tôi có bằng lòng để Thiên Chúa gây ngỡ ngàng, sửng sốt không?

Lạy Chúa, Chúa muốn dẫn chúng con tới nơi đâu, với những ngạc nhiên như thế? Tới thập giá. “Đấng cứu chuộc" này, sẽ nhờ thập giá để cứu độ. Tới Phục sinh. “Niềm vui" cả thể “vinh quang Thiên Chúa”, tôi sẽ là niềm vui vinh quang Phục sinh.

Maria ghi nhớ tất cả những sự việc đó và suy niệm trong lòng.

Maria hồi tưởng, Người lưu giữ những kỷ niệm, để ngày nào đó chúng sẽ tự sáng tỏ: Mọi điều sẽ được hiển lộ vào Thứ Sáu thánh. Và Chúa Nhật Phục sinh.

Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ thì người ta gọi tên Người là Giêsu.

Giêsu có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Con trẻ này được gọi là Thiên Chúa cứu độ!".

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

HOÀN CẢNH:

Đây là đoạn cuối cùng của bài tường thuật về việc Đức Giê-su giáng sinh. Khác với ông Gioan Tiền Hô, được sinh ra trong cảnh gia đình ấm cúng của một tư tế có thế giá (Lc 1,57-66), Đức Giê-su sinh ra trong cảnh bơ vơ của những khách lỡ đường, chỉ có mục đồng với chiên bò vây quanh. Nhưng có những sứ thần tuyên xưng mầu nhiệm của vị Cứu Thế là Chúa và là Đấng Ki-tô, công bố vinh quang của Thiên Chúa và bình an cho nhân loại, nhờ cuộc giáng sinh của Người.

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng này tường thuật về việc các mục đồng đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu và được mắt thấy tai nghe đúng như lời sứ thần nói với họ.

TÌM HIỂU:

16 “Họ liền hối hả ra đi …”:

Sau khi được sứ thần Thiên Chúa loan báo về thân thế của Hài Nhi Giêsu và dấu chỉ cho biết Người là Đấng Cứu Thế đã sinh ra ở trong thành Đa-vít, các mục đồng liền hối hả ra đi. Ở đây chúng ta cũng liên tưởng đến việc Đức Maria lên đường đi viếng thăm bà Ê-li-sa-bét (1,39). Đến nơi các mục đồng được mắt thấy tai nghe về Hài Nhi Giêsu, về Đức Maria và thánh Giuse. Chi tiết này cho ta nhận ra Đức Giê-su được sinh ra từ lòng mẹ là Đức Ma-ri-a như mọi bà mẹ khác. Và chi tiết này cũng cho thấy Đức Ma-ri-a quả là Mẹ Thiên Chúa, vì Hài Nhi Giêsu là Đấng Kitô Đức Chúa (2,11).

17 “Thấy thế, họ liền kể lại …”:

Sau khi đã gặp và nhận ra Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu Thế, các mục đồng loan báo cho mọi người. Gặp được Chúa Giê-su rồi loan báo cho người khác, đó là một diễm phúc và sứ mệnh của người tông đồ :

- Đức Maria đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét.

- Si-mê-on và Anna nói tiên tri về Hài Nhi (2,22-36).

- Các mục đồng thuật chuyện về Hài Nhi (2,17-18).

- An-rê loan báo về Chúa Giê-su cho Si-mon Phê-rô (Ga 1,41).

- Phi-líp-phê gặp Na-tha-na-en và giới thiệu về Chúa Giê-su (1,45).

18 “Nghe các người chăn chiên thuật lại …”:

“Bỡ ngỡ, ngạc nhiên, khiếp sợ” đó là những kiểu nói diễn tả thái độ và tâm trạng của con người đứng trước những sự thuộc về linh thánh, tức là thuộc về Thiên Chúa. Chi tiết này cho thấy thái độ bề ngoài của những người nghe mục đồng thuật lại về Hài Nhi Giêsu, khác với thái độ âm thầm, kín đáo nhưng sâu đậm của Đức Ma-ri-a.

19 “Còn Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy …”:

Sự thinh lặng của Mẹ Ma-ri-a ở đây không có nghĩa là thờ ơ lãnh đạm, đứng ở bên ngoài biến cố Giáng Sinh, nhưng trái lại Mẹ Ma-ri-a đã đi sâu vào mầu nhiệm Giáng Sinh một cách mật thiết đến nỗi Mẹ đã không diễn tả bằng lời, nhưng chỉ ghi nhớ và suy niệm trong lòng.

20 “Rồi các người chăn chiên ra về …”:

Việc các người chăn chiên vừa đi vừa ca tụng tôn vinh Thiên Chúa là thái độ của con người trước những điềm lạ cho thấy Chúa đã ra tay và trước các phép lạ (Lc 5,25-26; 7,16; 13,13; 17,15-18; Cv 3,8-9; 4,21).

21 “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày …”:

Câu này cho thấy Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu Thế do sứ thần báo cho biết, thì cũng là con người, phải chịu dưới ách lề luật con người.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Nhìn vào các mục đồng:

- Các mục đồng hèn mọn đã được phúc đón nhận Tin Mừng cứu rỗi và hăng hái loan báo Tin Mừng này cho người khác. Tin Mừng cứu rỗi của Chúa đến với hết mọi người không trừ một ai, nhưng chỉ những ai có sẵn tâm hồn đơn sơ nhạy cảm và vâng phục như các mục đồng mới dễ dàng đón nhận Tin Mừng của Chúa.

- Các mục đồng đến hang đá và đã thấy trước mắt Đức Ma-ri-a, thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu đặt nằm trong máng cỏ, và đã liên kết với những gì đã nghe sứ thần loan báo, nên họ tin và đi loan báo niềm tin ấy cho người khác. Người kitô hữu, đã từng nghe Giáo Hội nói qua các bài giảng, các bài giáo lý, các lời khuyên… và nghe Tin Mừng của Chúa, nên cần phải liên kết với những điều mình đã nghe với những điều mình đã sống để đi loan báo Tin Mừng cho tha nhân.

2. Nhìn vào Hài Nhi Giêsu:

- Dáng vẻ bên ngoài bình thường là một hài nhi sơ sinh, nằm trong máng cỏ, không làm giảm giá và mất ý nghĩa của thực tại bên trong là Đấng Cứu Thế. Cũng vậy, người kitô hữu dù sống dưới thân phận nào, hay làm bất cứ việc gì có tính cách hèn mọn, vô danh tiểu tốt, vẫn không làm mất phẩm giá và danh dự của người kitô hữu trước mặt Thiên Chúa. Điều này khích lệ chúng ta biết phục vụ tha nhân trong bất cứ công tác gì, và nhờ đó chúng ta sẽ có tinh thần cao thượng để tránh những sự kèn cựa, ganh tỵ, phân bì, tỵ nạnh vì những công việc hèn kém…

- Hài Nhi Giêsu được các mục đồng cùng với các thiên thần tôn vinh và ca tụng. Người kitô hữu, bao lâu giữ được phẩm chất của mình, thì dưới bất cứ dáng vẻ nào bên ngoài: giàu nghèo, sang hèn, địa vị hay vô danh tiểu tốt, đều được Chúa đoái thương và chúc phúc.

3. Nhìn vào Đức Ma-ri-a:

“Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”:

- Việc Đức Maria suy đi nghĩ lại trong lòng: chứng tỏ Đức Mẹ không hiểu trọn ngày ý nghĩa việc Chúa làm và vì thế Mẹ cố gắng suy nghĩ, tìm hiểu để nắm bắt ý nghĩa của mỗi sự kiện. Người kitô hữu noi gương Đức Maria, cần phải chăm chỉ học hỏi, tìm hiểu, nhiệt tình suy niệm, để khám phá thêm về Chúa, và những công việc về Chúa, nhờ đó chúng ta dễ đem lòng yêu mến chúa hơn.

- Qua biến cố Hài Nhi Giêsu Giáng Sinh, Mẹ Ma-ri-a đã hiểu được giá trị của việc từ bỏ hoàn toàn, chấp nhận trở nên nghèo nàn. Trong cảnh huy hoàng của đêm Giáng Sinh, chúng ta thấy Mẹ Ma-ri-a chỉ im lặng quỳ, thờ lạy Con mình. Người kitô hữu chúng ta chấp nhận từ bỏ mọi vinh dự và lợi lộc trần thế để khiêm nhường tin, cậy, mến Chúa trong cuộc sống.

- Mẹ đã sống tâm tình của một nữ tỳ khiêm tốn của Chúa, Mẹ chỉ hy sinh phục vụ Chúa trong âm thầm, còn các vinh quang hãnh diện, Mẹ xin dành cho những người khác. Noi gương Mẹ, chúng ta không tìm vinh quang bên ngoài của những việc đạo đức, nhưng chúng ta khiêm nhường phụng thờ Chúa cả trong những việc nhỏ mọn.

- Khi suy nghĩ về tước hiệu Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy nhớ rằng: Trước khi cưu mang Chúa Giê-su trong lòng, thì Mẹ đã đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa trong tâm hồn khi Mẹ biết lắng nghe và suy niệm Lời Chúa.

Chúng ta hãy hướng về Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, với tâm tình kính phục, biết ơn và ngưỡng mộ trong thánh lễ hôm nay.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.